Bạn sẽ trả lời câu hỏi sau như thế nào:
Theo bạn thì ở mức độ nào, việc giúp tất cả mọi người trong xã hội bạn đang sống giàu có hơn là khả thi?
Nguyên gốc tiếng Anh:
How far is increased prosperity for all a realistic goal in your society?
Đây là một trong 12 câu hỏi viết luận trong đợt thi cuối năm của mình năm 2013, học sinh sẽ chọn một trong 12 câu để trả lời (ở cuối bài có đường dẫn đến đề thi gồm 12 câu). Nếu bạn trả lời câu hỏi này, bạn sẽ trả lời như thế nào? Hãy suy nghĩ về việc đó.
Bài viết này của mình nhằm nói về một vấn đề trong xã hội Việt Nam hiện nay, đó là: đa số sống quá cảm tính và tư duy lỏng lẻo. Liệu mình có đang nói quá lên với câu khẳng định này? Có, mình biết rằng mình đang liều lĩnh khi khẳng định như vậy, vì câu nói của mình đang nói đến 95 triệu con người ở Việt Nam. Nhưng hãy thu hẹp phạm vi lại, mình không nói đến những trẻ sơ sinh và học sinh cấp 2. Mình nhắm đến những người từ 15 tuổi trở lên. Theo thống kê thì năm 2016, nhóm người độ tuổi 0 – 14 ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 24%, như vậy câu nói của mình áp dụng cho 76% còn lại, tương đương 72.2 triệu dân [1]. Và đa số, tức là khoảng 60 - 70% trong một nhóm người, thì tương đương 43.3 đến 50.5 triệu người.
Đó, khi mình nói đa số người Việt, tức là mình đang nói đến 43.3 đến 50.5 triệu người Việt trưởng thành. Nếu đọc xong bài viết và bạn muốn nói rằng bạn thấy có người khác với bài viết, hãy lưu ý rằng người đó, hay nhóm người đó, có thể đang nằm trong 21 triệu người còn lại.
Đã xác định xong nhóm đối tượng, giờ mình sẽ vào bài viết.

Khác nhau trong tiếng Anh, tiếng Việt

Mình mới phát hiện một sự thật thú vị mà có lẽ người sử dụng hai ngôn ngữ trở lên sẽ gặp phải, đó là các ngôn ngữ này sẽ tác động lên tư duy ngôn ngữ của người nói. Cụ thể hơn trong trường hợp mình, mặc dù mình viết tiếng Việt, nhưng cách dùng từ của mình vẫn như đang viết tiếng Anh. Lý do đó là vì trong một não bộ của người sử dụng đa ngôn ngữ, khi họ dùng ngôn ngữ nói chuyện, tất cả các vùng ngôn ngữ khác nhau đều được sử dụng, giống như bạn có 4 cái bóng đèn khác màu mà chỉ có 1 công tắc xài chung cho cả 4 vậy. Bạn bật công tắc, cả 4 bóng đèn sáng lên (đó là lý do tại sao nhiều người dùng tiếng Anh lâu năm lại có thói quen chêm tiếng Anh vào tiếng Việt không kiểm soát được).
Khi mình viết bài trên Spiderum, có những bình luận khiến mình khó hiểu. Mình không hiểu tại sao mọi người lại bình luận nói rằng mình cảm tính, hay là thiên vị bên này, và nhiều nhất là bình luận lạc đề. Và quan sát một hồi, mình nhận ra rằng cùng là trong tiếng Việt đa số các từ ngữ đều có hàm ý riêng. Trong tiếng Anh có rất nhiều từ trung lập, nhưng ở Việt Nam từ đó rất ít. Mình không phải chuyên gia ngôn ngữ nhưng hãy tạm coi một từ có thể được phân loại vào ba nhóm: hàm nghĩa tốt, trung lập và hàm nghĩa xấu. Hãy cân nhắc từ sau: “xâm lược”. Trong hầu hết các văn bản dùng ở Việt Nam, từ này hàm nghĩa xấu, chúng đi kèm với từ khác để tạo ra những cụm từ mang ý nghĩa xấu khác như: “quân xâm lược”, “giặc xâm lược”, “kẻ thù xâm lược”. Như vậy từ “xâm lược” không chỉ dùng để miêu tả hành động, mà ngược lại dùng để bày tỏ cảm xúc, đánh giá. Những người bị gọi là “xâm lược” được mặc định là vào vai ác. Nhưng trong tiếng Anh, từ “invasion” (xâm lược) lại được dùng để miêu tả hành động. Hành động đó là: đưa quân đến vùng đất không phải của mình và tấn công quân đội trên vùng đất đó. Nó hoàn toàn mang vai trò trung lập. Khi quân Đồng minh đổ bộ vào Normandy, Pháp năm 1944 để tấn công quân Phát xít Đức, báo chí phương Tây cũng dùng từ “invasion” để miêu tả sự kiện đó.

Hay là trong diễn tập quân sự của Mỹ, khi Lính thủy đánh bộ Mỹ diễn tập chiếm đảo, các phương tiện truyền thông cũng dùng từ “invasion” để miêu tả quân đổ bộ.

Như vậy trong tiếng Anh, từ “xâm lược” dùng để miêu tả một hành động, còn trong tiếng Việt, từ “xâm lược” được dùng để chỉ những kẻ ác, tức có đặt cảm xúc, nhận định cá nhân vào.
Những sự khác biệt này tuy nhỏ nhưng lại dễ gây hiểu nhầm. Chính bản thân mình đã trải qua. Trong lớp học lịch sử về Đông Nam Á hồi mình còn ở Singapore, khi giáo viên giảng bài về chiến tranh Việt Nam – Campuchia (1978-1979), một học sinh Việt Nam trong lớp đã đứng lên phản đối cô vì bạn đó không đồng ý với việc dùng từ “invasion”. Bạn đó nói rằng quân Việt Nam qua là để “help” (giúp đỡ) Campuchia. Đối với bạn đó, từ “invasion” mang hàm nghĩa xấu xa và bạn cảm thấy như bị xúc phạm, còn cô giáo thì thấy lúng túng, khó hiểu. Không quá ngạc nhiên khi bạn đó, và những bạn tương tự, sẽ nhận xét rằng sách lịch sử phương Tây bêu xấu Việt Nam. 
Tuy vậy, đây chỉ là vấn đề nhỏ, chỉ là sự khác biệt trong ngôn ngữ. Nhưng qua sự khác biệt nhỏ này, mình đã thấy được một vấn đề lớn trong tiếng Việt hiện nay: mọi người diễn đạt mọi thứ hầu hết đều theo cảm xúc.

Mật mã ngầm trong giao tiếp

Việc gắn cảm tính vào hầu hết các bối cảnh khiến cho việc giao tiếp bằng văn nói và văn viết ở Việt Nam rất khó khăn bởi vì khó mà có thể miêu tả hành động một cách trung lập được. Chúng ta không quen với việc miêu tả mà thường quen với việc đưa ra đánh giá, nhận định. Ví dụ cụ thể hơn như trong bài viết về “Cuộc sống muôn màu” của mình, mình miêu tả người hâm mộ các nhóm nhạc The Beatles là: điên cuồng, lên đỉnh. Thì có nhiều bạn nói rằng mình đang khinh miệt những người hâm mộ đó vì dùng từ như vậy. Nhưng thực chất đó là mình quan sát và miêu tả lại những gì mình thấy, các từ đó hoàn toàn không có nghĩa phỉ báng, chê bai. Mình thấy họ quay cuồng, gào hét, khóc nức nở, thì mình tả lại như vậy, và trong tiếng Anh các từ đó hoàn toàn trung lập.
Nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề lớn, vấn đề lớn ở Việt Nam thể hiện qua những đoạn hội thoại sau:
- Thưa cô em nghĩ chỗ này tác giả viết vậy là vì ổng nghĩ B, chứ không phải A.
- À em đang nói tôi sai ấy à?
Hay là:
- Chị ơi em nghĩ chúng ta hãy thử đổi qua phương pháp bán hàng mới này xem, tại em thấy nó có nhiều ích lợi sau abc.
- (Nghĩ thầm trong bụng) Nó đang chê cách bán hàng hiện giờ của mình đây.
Vấn đề lớn đó là: Chúng ta không dạy mọi người cách giao tiếp thẳng thắn. Chúng ta không cố gắng nói để người khác hiểu, mà chúng ta gắn chặt cảm tính, ẩn ý vào từng từ ngữ để mong người khác đoán được. Có lẽ đó là lý do trong tiếng Anh ngôn từ rất rạch ròi, nhưng trong tiếng Việt hiện nay, mọi người dùng từ rất lộn xộn. Mình thấy một nguyên nhân gây ra chuyện này là do cách dạy văn trong học đường. Trong việc dạy văn nói riêng, và văn hóa giao tiếp nói chung, chúng ta hay dùng hình ảnh ví von, mượn chuyện mây trời, sự vật nào đó để nói một chuyện khác, thể hiện nhất qua những bài thơ như Bánh trôi nước:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Như vậy, thay vì làm một bài thơ nói thẳng về tâm tư tình cảm về cuộc sống phụ nữ thời mình, bà Hồ Xuân Hương dùng hình ảnh bánh trôi nước để diễn tả điều đó. Lối nói chuyện văn hoa, mượn hình nói việc đó rất hợp trong văn học nhưng trong giao tiếp đời sống hằng ngày nó lại là thứ gây ra rất nhiều rắc rối. Đáng lẽ trong giáo dục chúng ta phải giúp người học hiểu được điều đó. Thứ nhất, lối nói chuyện đó luôn gắn chặt với cảm tính, và nó không hề có tính logic, hay hợp lý vào. Thứ hai, người ta sẽ dùng những hình ảnh nhẹ nhàng để giảm bớt sự vô giáo dục, tục tĩu trong lời nói, tức dùng hình ảnh che đi sự vô văn hóa.
Ngoài ra cũng có nguyên nhân chính trị, nhưng mình sẽ không viết tiếp sâu vào, nếu không có nhiều bạn sẽ đọc đến đây rồi xuống thẳng phần bình luận luôn.
Việc nói bóng gió này thể hiện ở mọi nơi. Ở người lớn thì họ hay ngầm khoe con mình để chê con người khác, còn ở người trẻ thì luôn lấy sự việc nào đó làm hình ảnh để ngầm phỉ báng người khác, và họ rất đắc chí vì nghĩ rằng như vậy là thâm sâu. Nhưng thực chất nó gây ra rất nhiều khó chịu, xung đột và thể hiện người nói là người vô văn hóa.
Nhiều người trẻ rất thích kiểu suy nghĩ như vầy

Cố gắng tỏ ra thâm sâu để che đậy sự nông cạn và khinh miệt người khác

Lỏng lẻo ngôn ngữ, lỏng lẻo tư duy

Nếu tư duy tác động lên ngôn ngữ giao tiếp thì ngược lại, ngôn ngữ giao tiếp cũng tác động ngược lên tư duy. Nếu bạn không tin thì bạn hãy thử một ngày không dùng những từ lóng của giới trẻ như: xàm, bẩn bựa, bựa, vl, vãi, lầy, lầy lội, thả thính mà dùng các từ phổ thông thay thế vào, bạn có làm được không? Hay bạn sẽ nói rằng không có từ nào trong tiếng Việt miêu tả được chính xác như vậy. Bạn có chắc chứ? Hay là vì bạn không còn suy nghĩ được kiểu khác nữa?
Mình không phản đối việc dùng tiếng lóng, đó là đời sống rồi, mình cũng dùng những từ ngữ đó. Nhưng mình ngạc nhiên rằng tiếng lóng được dùng rất phổ biến ở Việt Nam, nó được dùng ở khắp mọi nơi, lên cả truyền hình, dùng tràn ngập trên mạng xã hội, đến mức báo chí cho người trẻ bây giờ phải ăn theo thị hiếu và báo nào cũng có tiếng lóng. Trong một ngày tiếp xúc với người bản địa, mình có thể thoải mái nói chuyện với những đứa cùng tuổi, có thể nói đùa, trêu chọc, mỉa mai, tán dóc thoải mái mà không dùng bất kỳ tiếng lóng hay từ ngữ tự chế nào, thì ở Việt Nam, tiếng lóng cực kỳ phổ biến, đến mức nó thành một phần không thể thiếu trong ngôn ngữ giao tiếp.
Theo mình tự giải thích, và bạn hoàn toàn có thể không đồng ý, đó là khi một người không thể diễn đạt chính xác những gì anh ta muốn nói, người đó sẽ phát minh ra những từ mới lạ để diễn đạt cảm xúc của mình. Các từ ngữ mình nêu ở trên (xàm, bẩn bựa, vãi) không phải dùng để miêu tả, mà để diễn đạt cảm xúc không thành lời, và đôi lúc nó gắn theo cảm tính, nhận định trong đó. Nó cho thấy một người có trình độ tư duy quá yếu và trình ngôn ngữ quá kém, để có thể hoàn toàn diễn đạt được suy nghĩ và cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ phổ thông.
Nhưng thế nào là tư duy chặt, ngôn ngữ chặt? Có thể bạn sẽ hỏi.
Hãy quay lại câu hỏi đầu bài:
Theo bạn thì ở mức độ nào, việc khiến mọi người trong xã hội bạn đang sống giàu có hơn là khả thi?
Hãy phân tích câu hỏi. Câu hỏi hỏi về mức độ, ta có thể chia ra mức độ theo thang 0 đến 10, với 0 = không khả thi và 10 = hoàn toàn khả thi.
Trong câu hỏi có từ “tất cả”, như vậy sẽ phân ra các trường hợp sau:
- Tất cả sẽ giàu lên (đồng ý với câu mệnh đề)
- Tất cả sẽ nghèo đi (phản đối câu mệnh đề)
- Số ít giàu lên và đa số đều không giàu lên
- Đa số giàu lên và số ít không giàu lên
Nếu bạn muốn đi sâu hơn, bạn có thể tách ra thêm để phân biệt giữa: không giàu lên và nghèo đi.
Nhưng quan trọng hơn, đó là phải định nghĩa được: Thế nào là giàu lên? Thu nhập hằng tháng là 10 triệu đồng, giờ tăng lên 12 triệu đồng có phải là giàu lên không?
Khi đã phân tích xong và ghép mức độ khả thi vào 4 tình huống (hoặc nhiều hơn, tùy bạn phân tích) thì ta sẽ có thể viết bài luận theo 4 hướng:
- Chắc chắn khả thi, vì tất cả sẽ có thể được giàu lên.
- Không khả thi, vì tất cả sẽ không giàu lên được.
- Mức khả thi thấp, số ít giàu lên nhưng đa số đều không giàu lên.
- Mức khả thi cao, đa số giàu lên và một số ít không giàu lên.
Như vậy, khi có tư duy ngôn ngữ chặt chẽ, chúng ta sẽ bám chặt vào từng chữ trong bài viết để phân tích và hiểu. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta lại coi đó là sự “bắt bẻ” bởi vì chúng ta không quen với việc dùng ngôn từ chặt chẽ, hay nói xuề xòa, nên khi bị bắt bẻ thì thấy khó chịu và nói người khác rằng người đó đang bắt bẻ từng chữ.
Những người lỏng lẻo tư duy, khi thấy một bài viết không hợp ý, nhưng do không đủ trình độ diễn đạt suy nghĩ thành câu văn chỉn chu, cho nên phải dùng các phương pháp như: châm chọc, chế diễu, mỉa mai, miệt thị để lấp liếm cho khoảng trống tư duy trong đầu. 

Còn trong đời sống hằng ngày, những người lạm dụng từ lóng mình kể trên cũng là để lấp đi những khoảng trống ngôn ngữ. Việc dùng từ lóng càng nhiều càng cho thấy khoảng trống càng lớn.
Việc dùng từ lỏng lẻo hiện nay khiến cho người trẻ thích “trôi dạt theo cảm xúc”. Những dòng suy nghĩ theo trào lưu hiện nay như: đưa nhau đi trốn, sống trọn vẹn tuổi thanh xuân, muốn buông lỏng, hay là những phong trào viết trạng thái “sâu sắc” trên Facebook, Instagram, tất cả đều mơ hồ, không rõ ràng, đều “có cái gì đó không diễn tả được”. Đi trốn? Tại sao đi trốn? Đi trốn có tốt hơn không? Thay vì đi trốn có làm gì khác được không? Bạn thấy khó chịu khi mình đặt những câu hỏi này chứ? Nếu khó chịu thì bạn hãy cố gắng viết ra giải thích rành mạch cảm xúc đó, trả lời những câu hỏi đó, bạn sẽ hết thấy khó chịu.
Sống trôi dạt theo cảm xúc như thế, cho nên hầu như khi đụng những vấn đề phức tạp, đòi hỏi suy nghĩ thật nhiều, thì rất nhiều người không thể làm được, và họ lại dựa vào cảm xúc, cảm tính để đánh giá vấn đề.

Làm sao để tranh luận, phản biện chứ không phải công kích cá nhân.

Sự việc PGS - TS Bùi Hiền bị chỉ trích, bêu rếu, lăng mạ, công kích cá nhân đã khiến cho mạng xã hội sôi sục. Nhiều người đã thảo luận về việc tại sao văn hóa tranh luận ở Việt Nam thấp đến thế, tại sao những người trẻ lại sỉ nhục, chửi bới một giáo sư đến thế trong khi điều ông ấy làm chỉ là nghiên cứu và nêu ra một quan điểm của mình.
Và đó là một trong những hậu quả của việc đặt cảm xúc, cảm tính cao hơn logic trong ngôn ngữ. Có rất nhiều người hầu như thực sự không phân tích câu từ, phân tích sự hợp lý, mà chỉ dùng cảm tính của mình để đánh giá. Tư duy ngôn ngữ của họ lỏng lẻo nên khi họ đọc một đoạn văn chặt chẽ, họ chỉ có thể cảm thấy, cảm nhận, chứ không thể phân tích từng chữ được.
Vậy làm sao để tranh biện cho đúng? Để tranh biện đúng thì cần phải hỏi đúng câu hỏi. Câu hỏi là thứ tuyệt vời để bóc đi những ngộ nhận và gợi mở cho chúng ta hiểu thêm về vấn đề.
1. Tại sao giáo sư Bùi Hiền lại đề xuất cải cách?
Hỏi như vậy để hiểu được bối cảnh chung của tình huống. Nếu không thực sự hiểu mục đích của một việc làm, hầu như không thể đánh giá được việc đó. 
2. Tiếng Việt thực sự có vấn đề?
Đây là điều quan trọng. Giáo sư nói rằng tiếng Việt có vấn đề, nhưng liệu thực sự là nó có vấn đề? Vấn đề của nó là sao? Nếu một người có thể chứng minh được tiếng Việt hiện nay không có vấn đề thì tức là đã phản bác được giáo sư.Điều này đỏi hỏi chúng ta phải hiểu được thế nào là có vấn đề? Liệu việc phải mất nhiều câu chữ để diễn tả một ý ngắn có phải là một vấn đề? Liệu học sinh khó nhớ có phải là vấn đề? Nhiều chữ cái có phải là vấn đề?Chúng ta phải có tổ chức khảo sát, đánh giá định lượng quy mô lớn. Giáo sư nói nhiều trẻ em gặp khó khăn khi học tiếng Việt, vậy nhiều là bao nhiêu? Những trẻ em đó gặp khó khăn khi học tiếng Việt là vì giáo viên kém, phụ huynh tác động, hay do các em bị bệnh? Các vấn đề trong tiếng Việt tác động như thế nào lên xã hội? Có số liệu không? 
3. Cho dù Tiếng Việt có vấn đề thì có cần cải cách?
Đây là đánh giá thiệt hơn. Cứ cho rằng tiếng Việt cần phải cải cách và việc cải cách thành công và xóa đi những khó khăn trong tiếng Việt hiện giờ, nhưng nó có tạo ra những khó khăn mới? Những vấn đề mới này có rắc rối và khó giải quyết hơn vấn đề cũ? Giải quyết những vấn đề mới này có tốn kém hơn giải quyết vấn đề cũ?Như vậy nếu muốn phản bác giáo sư Bùi Hiền, ta có thể nói rằng cải cách của giáo sư có thể giải quyết được các vấn đề trong tiếng Việt hiện nay nhưng lại tạo ra các vấn đề mới, khó giải quyết hơn nhiều vấn đề cũ.
4. Cải cách ở mức độ nào?
Có nhiều cách cải cách. Cải cách kiểu giáo sư là làm rất mạnh, thay đổi bảng chữ cái, cách viết. Người phản đối có thể nói rằng tiếng Việt có thể cải cách theo kiểu tằm ăn dâu, làm từ từ từng mảng, sửa những mảng nhỏ, sửa các quy ước dùng chữ hoặc thêm một chữ cái mới như chữ cái “w”, không cần thiết phải thay toàn bộ.
5. Có cách khác để giải quyết vấn đề không?
Những vấn đề của giáo sư Bùi Hiền nêu ra có thể giải quyết được bằng công nghệ thay vì cải cách sửa bảng chữ cái và cách viết. Giáo sư nêu ra những khó khăn của trẻ khi học cách dùng từ, nhưng nếu bộ giáo dục thiết kế các phần mềm, ứng dụng học tiếng Việt cho học sinh thì sao? Thậm chí học sinh có thể học đọc, học viết ở nhà thay vì phải nhờ giáo viên dạy, như vậy các vấn đề giáo sư nêu ra có được giải quyết tốt hơn không?
6. Tiếng Việt không có vấn đề và cần nâng cấp, chứ không phải sửa
Đây là phản đối kiểu khác. Những người phản bác kiểu này sẽ phản đối lập luận của giáo sư rằng tiếng Việt hiện nay có vấn đề và cần phải sửa. Họ nói rằng tiếng Việt hiện nay rất ổn, không cần phải sửa, nhưng cần được nâng cấp, vì trong tương lai tiếng Việt hiện tại không đủ để hỗ trợ giao tiếp trong cuộc sống nữa.

Nếu bạn muốn phản bác giáo sư, thì đây chỉ là một trong số vô vàn cách để phản bác. Mà đó chỉ là mới đụng vấn đề bề mặt, còn chưa đào sâu vào trong các chi tiết nhỏ.
Như vậy, khi tranh biện, một người cần phải đặt câu hỏi kiểm chứng và xét bối cảnh lớn. Ở Việt Nam, chúng ta chủ yếu đánh giá, chứ ít phân tích, trong khi đáng lẽ phải phân tích trước. Giả sử như phần trên, 6 bước mình ghi là 6 bước phân tích. Từ kết quả phân tích đó một người mới có thể đánh giá được đề xuất của giáo sư Bùi Hiền có hợp lý hay không. Nếu bạn không thể phân tích được 6 bước trên, như mình cũng không phân tích được, thì hãy chấp nhận rằng mình không đủ trình độ để đánh giá và do đó cần nghe ý kiến chuyên gia.

Bạn có thể làm gì

Mình không trông chờ lắm vào chương trình giáo dục hiện nay và do đó những đề xuất mình đưa ra nhắm vào cá nhân nhiều hơn. Theo mình thấy, tốt nhất trong giao tiếp, mọi người nên bỏ đi những thói quen rất tệ hại như đá xoáy, mỉa mai, công kích cá nhân, châm biếm, nói bóng gió. Hãy thành thật và nói thẳng vấn đề.

Mình khuyến khích mọi người nên viết, có thể là viết nhật ký, viết cảm nhận, viết phân tích. Khi viết, cần kiểm soát cảm xúc thay vì để nó kiểm soát mình. Hãy đặt những vấn đề nghe ngớ ngẩn và cố gắng tìm ra lời giải. Ví dụ, nên đi du học Trung Quốc hay du học Mỹ? Để phân tích được vấn đề đó, bạn phải gạt bỏ cảm tính về người Trung Quốc, cũng như những gì tệ nạn xấu xa về người Trung Quốc đăng đầy trên mạng xã hội, hay là kiểm tra những ngộ nhận về nước Mỹ. Hãy đọc những bài báo nghiêm túc, tham khảo ý kiến chuyên gia, tổng hợp thông tin và tự phân tích. Viết như vậy, thứ nhất bạn sẽ cải thiện khả năng viết, dùng từ tốt hơn, thứ hai tư duy của bạn cũng lên. Vì khi bạn viết, bạn sẽ phát hiện có rất nhiều lỗ hổng trong tư duy của mình.
Bạn cũng cần đọc nhiều, báo chí, tạp chí và hãy đọc các sách khó đọc. Ngôn tình rất hấp dẫn vì nó đánh vào cảm xúc, mà cảm xúc là thứ dễ chịu, ai cũng có, không bị ràng buộc bởi những quy tắc, và nó chẳng cần phải đúng. Nhưng nó cũng là lý do mà nó không bao giờ được xếp vào loại sách tri thức, cùng lắm chỉ là sách giải trí. Bạn có thể đọc sách để giúp nâng cao tư duy ngôn ngữ, hiểu cách dùng từ. Nếu một quyển sách văn chương dài 500 trang vẫn khiến bạn thấy vui vẻ và tủm tỉm cười, thấy được muôn màu cuộc sống thì điều đó có nghĩa là bạn không cần phải dùng từ lóng để có thể giao tiếp bình thường hằng ngày.
Và khi bạn muốn phản biện điều gì đó, hãy đặt câu hỏi trước, phân tích, rồi hẵng đưa ra kết luận. Nếu không đủ trình độ phân tích, thì hãy thành thật với bản thân rằng mình không biết, và do đó chỉ có thể nghe các chuyên gia.

Tham khảo:
General Paper Essay Questions: