Cristina Nualart – Những nghệ sỹ mở đường cho trào lưu LGBT...

Cristina Nualart – Những nghệ sỹ mở đường cho trào lưu LGBT tại Việt Nam

Đăng vào
0
Truong Tan’s catalogue for his first solo exhibition in 1994 documents his tentative exploration of performance art and frequent use of ropes. Photo by Truong Tan used with permission., CC BY-NC
Catalogue triển lãm cá nhân đầu tiên của nghệ sỹ Trương Tân vào năm 1994 ghi lại những thử nghiệm trình diễn đầu tiên và thói quen sử dụng dây thừng của anh. Ảnh do nghệ sỹ cung cấp và cho phép sử dụng, CC BY-NC

Bài viết này đăng trên website The Conversation. Đọc nguyên tác (bằng tiếng Anh) tại đây.

Tác giả: Cristina NualartĐại học Complutense de Madrid

Trong một quyết định mang tính lịch sử, ngày 26 tháng 5 vừa qua tòa án tối cao Đài Loan đã tuyên bố ủng hộ hôn nhân đồng giới. Lời tuyên bố đã làm dấy lên hy vọng cho rất nhiều nhà hoạt động vì cộng đồng LGBT trong khu vực, đặc biệt tại Trung Quốc và Việt Nam.

Như ở mọi nơi khác trên thế giới, sự kỳ thị người đồng tính gây ra nhiều nhức nhối tại Việt Nam, nơi mà đến năm 2000 người đồng tính vẫn không được pháp luật cho phép chung sống. Đến năm 2001 đồng tính luyến ái mới được gạch bỏ khỏi danh mục quốc gia các bệnh tâm thần, dù vẫn không thật sự được tán thành ở nhiều nơi.

Mặc dù vậy, công cuộc đấu tranh của cộng đồng LGBT vẫn tiếp tục tiến triển. Từ năm 2012, chuỗi sự kiện thường niên Viet Pride đã được tổ chức nhằm tôn vinh cộng đồng người đồng tính (gay pride), và vào năm 2016, mạng xã hội đồng tính đầu tiên của cả nước, Blued, đã chính thức đi vào hoạt động. Khoảng 2 triệu tin nhắn được gửi đi trong cộng đồng người dùng mạng xã hội này mỗi ngày, theo số liệu thống kê của công ty.

Cho dù chưa hề đi đến hồi kết, quá trình đấu tranh ấy đã luôn được dẫn dắt bởi những sáng tạo tiên phong của nền nghệ thuật đương đại Việt trong nhiều thập kỷ qua.

Vào những năm 90, nghệ thuật đương đại nở rộ tại Hà Nội. Nhiều phòng tranh mới được khai trương, các nhà sưu tập nghệ thuật nước ngoài bắt đầu chú ý đến Việt Nam, một đất nước ít được cộng đồng quốc tế biết đến lúc bấy giờ. Và mặc dù luôn phải đối mặt với quy trình kiểm duyệt của một thể chế nghiêm ngặt, các nghệ sỹ Việt Nam đã nắm trong tay một số quyền tự do.

Trong số những điểm đổi mới nổi bật của nghệ thuật đương đại Việt Nam thời kỳ này phải kể đến sự xuất hiện của nghệ thuật trình diễn và những nội dung mang tính dục đồng giới trong các tác phẩm của Trương Tân, người được cho là nghệ sỹ thị giác đồng tính nam công khai đầu tiên của Việt Nam.

‘Why are you Standing on my Foot?’ 1996, Chinese ink and acrylic on Do paper. Thavibu Art Gallery, Truong Tan
‘Sao mày dẫm lên chân tao?’, 1996, mực tàu trên giấy Dó.
Phòng tranh Thavibu, Trương Tân

Với nhà phê bình nghệ thuật Bùi Như Hương, Trương Tân là nghệ sỹ đi đầu trong làng nghệ thuật đương đại Việt. Trong những năm gần đây rất nhiều nghệ sỹ cũng đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với thái độ chống trả quyết liệt của Trương Tân đối với gọng kìm của những chỉ trích mang tính chính trị và xã hội đối với nghệ thuật.

Giới hạn xã hội

Tác phẩm đầu tiên mang nội dung đồng tính của Trương Tân – Gánh xiếc – được trưng bày tại một triển lãm nhóm vào năm 1992 tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nơi anh giảng dạy lúc bấy giờ.

The painting Circus was exhibited in 1992. Photograph taken by Truong Tan and reproduced with permission. Cristina Nualart/Truong Tan, CC BY-NC
Tác phẩm Gánh xiếc được trưng bày vào năm 1992. Ảnh do nghệ sỹ Trương Tân chụp và cho phép sử dụng.
Cristina Nualart/Trương Tân, CC BY-NC

Quyết định trưng bày tác phẩm này đã khuấy động một điều gì đó trong anh. “Tôi đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho bản thân,” Trương Tân chia sẻ. Anh đã sẵn sàng chấm dứt giấu diếm xu hướng giới tính của mình và quyết tâm theo đuổi hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.

Điều đó không hề dễ dàng, và trong một thời gian anh đã giấu kín tất cả các tác phẩm mang nội dung đồng tính khêu gợi của mình. Sự kìm hãm được thể hiện trong Gánh xiếc qua chi tiết một sợi dây thừng trói hai cổ chân một nhân vật lại với nhau. Dây thừng là hình ảnh được lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của Trương Tân, là biểu trưng cho cảm nhận của anh về một môi trường Việt Nam bảo thủ.

Gánh xiếc bao gồm hình hài một nhân vật hung tợn, độc đoán và thô bạo, và một nhân vật khác bị vặn xoắn, chúc ngược xuống trong dáng vẻ không còn chút sức lực. Thật đáng kinh ngạc khi tác phẩm đầu tiên về đề tài đồng tính này của Trương Tân lại thể hiện sự thống trị tàn bạo, bởi rất nhiều các tác phẩm sau đó của anh đều mô tả các cặp đôi đồng tính một cách hăng hái, thân thương pha chút đùa vui.

Touched by an Angel, 2010, lacquer painting by Truong Tan. Photo by Thavibu Gallery used with permission. Thavibu Gallery
Touched by an Angel, 2010, tranh sơn mài của nghệ sỹ Trương Tân. Ảnh do phòng tranh Thavibu cung cấp và cho phép sử dụng. Phòng tranh Thavibu

Năm 1994, một loạt các tác phẩm vẽ nam giới khỏa thân được Trương Tân đem ra trưng bày tại triển lãm cá nhân đầu tiên của anh tại Hà Nội. Đây là công cụ anh sử dụng nhằm kiểm định khả năng chấp nhận của cộng đồng đối với những nội dung mang tính dục đồng giới.

Đối mặt với kiểm duyệt

Cũng vào năm đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, anh bắt đầu tổ chức cho triển lãm các tác phẩm mang hình ảnh dương vật cương cứng. Tân tin rằng quyết định này đã thúc đẩy chính quyền kiểm soát các tác phẩm của anh một cách thận trọng hơn (trích lời anh nói với Marianne Brown trong bài phỏng vấn tháng 2 năm 2012 cho tạp chí trực tuyến Tribune Business News) bởi anh đã không để tâm tới lời chỉ dẫn “không trưng bày các tác phẩm mang nội dung chống đối Đảng và Nhà nước, hoặc trái với thuần phong mỹ tục.”

Ceramic pieces by Truong Tan. Photo by Cristina Nualart, 2011. Cristina Nualart
Các tác phẩm gốm của Trương Tân. Ảnh: Cristina Nualart, 2011.
Cristina Nualart

Một năm sau, Tân trở thành một trường hợp bị kiểm duyệt khắt khe khi 18 tác phẩm của anh bị gỡ khỏi một triển lãm tại phòng tranh Red River Gallery tại Hà Nội. Thông tin lan đi nhanh chóng. Đến cuối năm 1995, giới truyền thông quốc tế gọi anh là “họa sỹ đồng tính nam công khai duy nhất của Việt Nam”.

Tân vẽ không ngừng nghỉ, nhưng đến giữa những năm 90 anh bắt đầu thử nghiệm với nghệ thuật trình diễn; và cũng giống như con người anh, những màn trình diễn của anh không bị ràng buộc bởi quy định và luật lệ.

Không có bất kỳ một tiêu chí cố định nào để đánh giá nghệ thuật trình diễn tại Việt Nam bởi loại hình nghệ thuật này không bắt nguồn tại đây. Các buổi biểu diễn là những sự kiện hiếm hoi – một phương án thay thế cho không gian chính thức của các phòng tranh, nơi mà các nghệ sỹ liều mình trình diễn các tác phẩm bị Sở Thông tin và Văn hóa từ chối cấp phép.

Năm 1996, Trương Tân và nghệ sỹ Nguyễn Văn Cường phối hợp trình diễn tác phẩm Mẹ và Con (còn được biết đến với tên gọi Quá khứ và Tương lai) tại sự kiện khép lại một triển lãm tại một phòng tranh tại Hà Nội.

Trong tác phẩm kéo dài 10 phút này, Tân nằm cuộn tròn trên sàn nhà với một thứ chất lỏng trông như máu dính đầy người, lăn đi lăn lại như bị tra tấn khi cây chổi của Cường quét qua quét lại trên người anh. Không khó để hình dung hàm ý chính trị và giới tính của màn biểu diễn đó.

Mặc dù là một nghệ sỹ thành công, năm 1997, cảm thấy như bị nghiền nát bởi những kìm hãm hạ cấp, Trương Tân rời Việt Nam đến Paris và cảm nhận được một sự tự do vượt quá mong đợi tại thành phố châu Âu này.

Thông tin về các tác phẩm của anh nhanh chóng lan khắp châu Á và trở thành một phần của sự phát triển của khu vực. Theo giám tuyển người Thái Apinan Poshyananda, vào năm 2000, sự đóng góp của các nghệ sỹ châu Á vào những tranh luận quan trọng về chủ nghĩa hậu hiện đại, về các phương tiện truyền thông mới và các vấn đề liên quan đến đề tài tình yêu và tình dục đồng giới đã thay đổi bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật Đông Nam Á.

Sự thay đổi về mặt tinh thần

Mặc dù không tạo nên những thay đổi tức thời về mặt pháp luật, các tác phẩm mang tính chất đột phá của Trương Tân đã góp phần khuyến khích các nghệ sỹ khác đặt ra nghi vấn về các luật lệ, phương thức thực hành nghệ thuật truyền thống và ngừng tự kiểm duyệt tác phẩm của chính mình.

Ngày nay, các sản phẩm văn hóa đồng giới đã xuất hiện nhiều hơn trong không gian công cộng tại Việt Nam. Các nghệ sỹ Việt Nam đã và đang liên tục nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề LGBT qua các tác phẩm của mình.

Tác phẩm nhiếp ảnh sắp đặt Ngoài sáng I của nghệ sỹ thị giác đa ngành Himiko Nguyễn ra đời năm 2011 với mục đích giảm bớt cái mà cô coi là sự thiếu hiểu biết của cộng đồng về các vấn đề về giới tính và tình dục.

Cũng giống như Trương Tân, Himiko than thở về những luật lệ bất thành văn và sự kìm hãm mà cô cảm nhận được từ xã hội Việt Nam. Các nhận định của cô cho thấy một sự hiểu biết sâu sắc về quá trình truyền bá ý thức hệ qua hệ thống giáo dục quốc gia và việc ý thức hệ này được quần chúng tự nhiên hóa.

Tại một đất nước mà người khỏa thân không được phép xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Himiko thừa nhận cô cố ý sử dụng các hình ảnh khỏa thân nhằm đi ngược lại những ranh giới đã ăn sâu vào nhận thức người dân.

Poster for the Come Out exhibition, 2011, by Himiko Nguyen (used with permission). Himiko Nguyen
Poster cho triển lãm Ngoài sáng I, 2011, do Himiko Nguyễn cung cấp và cho phép sử dụng. Himiko Nguyễn.

Tình yêu và tình dục đồng giới đang dần trở thành một phần của văn hóa đại chúng ngày nay. Năm 2011, bộ phim về đề tài đồng tính công khai “Hot boy nổi loạn” (Lost in Paradise) của đạo diễn Vũ Ngọc Đăng đã nhận được thành công vang dội trong và ngoài nước.

Năm 2012, sê-ri sitcom “Bộ ba đĩ thõa” (My Best Gay Friends) trở nên nổi tiếng ngay sau khi được tung ra trên YouTube vào đúng sự kiện Viet Pride đầu tiên.

Một năm sau đó, Nguyễn Quốc Thành, thành viên sáng lập không gian nghệ thuật Nhà Sàn Collective tại Hà Nội khởi xướng Queer Forever, một lễ hội nghệ thuật tại Hà Nội bao gồm chuỗi các triển lãm, hội thảo và hòa nhạc. Cũng vào năm này, cộng đồng LGBTQ Việt Nam cho ra đời tạp chí nghệ thuật qui mô nhỏ “Vănguard”.

The ConversationNhững đóng góp này sẽ không thể ra đời nếu thiếu đi những tác phẩm tiên phong của Trương Tân. Bằng việc khơi gợi hy vọng thông qua nghệ thuật, anh đã thúc đẩy sự chấp nhận của xã hội Việt Nam đối với cộng đồng LGBT tại đây.

Cristina Nualart, Nghiên cứu sinh về Nghệ thuật Đương đại, Đại học Complutense de Madrid

Nội dung bài viết đã được hiệu đính với sự cho phép của tác giả.

Dịch: Đinh Vũ Bảo Hoa

NO COMMENTS

Leave a Reply